GIÁ VÀNG TỤT SÂU CHƯA TỪNG THẤY, ĐÂY CÓ PHẢI THỜI ĐIỂM ĐỂ MUA VÀO KHÔNG?
Theo Kitco, với sự hỗ trợ dài hạn và nguồn cung hạn chế, giá vàng giảm xuống quanh mức 2.600 USD/ounce là cơ hội để mua vào.
Việc mua vào của ngân hàng Trung ương và nhu cầu của nhà đầu tư tăng cao thời gian qua đã đẩy giá vàng lên mức kỷ lục. Tuy nhiên, đợt thoái lui gần đây khiến một số người nghi ngờ khả năng tiếp tục đà tăng của kim loại quý này. Nhưng vàng vẫn có sự hỗ trợ trung và dài hạn vì có nhiều yếu tố hỗ trợ, theo Axel Rudolph – nhà phân tích kỹ thuật cấp cao tại IG ở London.
Rudolph đã phân tích tính ổn định của xu hướng tăng dài hạn của vàng. Yếu tố chính đầu tiên mà ông xem xét là hoạt động mua của chính phủ.
“Các giao dịch mua vàng của ngân hàng Trung ương đã đạt đến mức lịch sử, với gần 400 tấn được mua chỉ trong nửa đầu năm 2022 – tốc độ nhanh nhất trong 55 năm qua. Đến tháng 7.2024, giao dịch mua vàng toàn cầu đạt mức cao nhất trong gần 14 năm” – ông chia sẻ.
Rudolph cho biết, đợt tăng đột biến này “là một sự thay đổi đáng kể, vì các ngân hàng Trung ương đã chuyển “từ người bán ròng sang người mua tích cực” trong thập kỷ qua. Các tổ chức lớn ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Hungary đã tăng đáng kể dự trữ vàng của họ.
Động lực chính đằng sau xu hướng này là sự đa dạng hóa. Các ngân hàng Trung ương tìm cách giảm sự tiếp xúc của họ với tiền tệ và trái phiếu. Với nợ toàn cầu ở mức kỷ lục, vàng đóng vai trò là một biện pháp phòng ngừa quan trọng chống lại rủi ro thị trường. Những giao dịch mua vào từ các ngân hàng Trung ương đã tạo ra áp lực tăng giá liên tục đối với giá vàng, góp phần vào mức cao kỷ lục đạt được gần 2.800 USD/ouncechỉ vài tuần trước” – chuyên gia này phân tích.
Ghi nhận lúc 8h12 ngày 14.11.2024 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.567,1 USD/ounce. Nguồn: Kitco
Trong những năm gần đây, căng thẳng địa chính trị và lạm phát gia tăng đã góp phần thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Ngoài ra, lạm phát tăng đột biến từ năm 2021 đến giữa năm 2023 càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu đã trải qua tỉ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm.
Dù lạm phát dần giảm xuống kể từ giữa năm 2023, Rudolph tin rằng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục coi vàng là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền: “Sự kết hợp giữa bất ổn địa chính trị và lo ngại về lạm phát, ngay cả sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tuần trước, đã tạo nên nền tảng vững chắc cho nhu cầu vàng trong cả các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ.
Khả năng xảy ra một đợt lạm phát khác cũng hiện hữu. “Lời cam kết của ông Trump về việc áp thuế từ 10% đến 60% đối với hàng nhập khẩu, ngay cả đối với các đồng minh của Mỹ có thể dẫn đến việc áp thuế trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Điều này có khả năng tạo ra một vòng xoáy lạm phát khác dẫn đến giá vàng tăng cao hơn” – ông nói.
Dù đang sụt giảm mạnh, vàng vẫn nhận dự báo tích cực từ một số chuyên gia. Ảnh minh họa: Phan Anh
Một yếu tố khác hỗ trợ giá vàng là sự phục hồi nhu cầu trang sức. Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phục hồi đáng kể trong ngành chế tạo đồ trang sức bằng vàng, khi lệnh phong tỏa toàn cầu được nới lỏng và niềm tin của người tiêu dùng quay trở lại thị trường. Các yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhu cầu trang sức mạnh mẽ, đặc biệt là ở những khu vực mà vàng có ý nghĩa truyền thống đối với đám cưới và tặng quà.
Hội đồng Vàng Thế giới dự báo nhu cầu trang sức hàng năm sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự gia tăng của cải ở các quốc gia đang phát triển. Dân số đông đảo của Ấn Độ và Trung Quốc đại diện cho nhu cầu chưa được khai thác đáng kể đối với các sản phẩm vàng.
Trong khi đó, nguồn cung vàng vẫn bị hạn chế, điều này cũng sẽ hỗ trợ thị trường.
“Mặc dù giá tăng, sản lượng vàng vẫn tương đối ổn định trong thập kỷ qua, tạo ra sự mất cân bằng cung-cầu đáng kể”, ông cho biết: “Một số yếu tố hạn chế sản lượng, bao gồm hàm lượng quặng giảm, tình trạng khan hiếm các mỏ lớn mới phát hiện và rủi ro chính trị gia tăng ở các khu vực sản xuất chính. Các mối quan ngại về môi trường cũng hạn chế việc mở rộng hoạt động khai thác”.
Rudolph cho biết sự kết hợp giữa hạn chế nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ này “cho thấy giá vàng có thể cao hơn trong tương lai gần. Các phân tích kỹ thuật cũng ủng hộ triển vọng tích cực trong dài hạn cho kim loại quý.
Theo góc độ phân tích kỹ thuật, Rudolph cho biết, mức 2.600 USD/ounce có thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng “việc giá tiếp tục giảm và biểu đồ hàng tuần đóng cửa dưới mức thấp nhất vào ngày 18.9 là 2.546,86 USD/ounce có thể dẫn đến đợt điều chỉnh sâu hơn”.