Ăn ngô luộc đem lại rất nhiều công dụng sức khỏe. Nhưng nếu ăn ngô luộc vỉa hè thì bạn cần cẩn trọng.
Không chỉ là món đồ ăn vặt ngon miệng, ngô luộc còn được sử dụng để làm bữa sáng cho nhiều người ăn vội, muốn đổi bữa. Một bắp ngô luộc nóng hổi giúp bạn nhanh chóng dập tắt cơn đói, thay vào đó là cảm giác no bụng lưng lửng. Dù là ban ngày hay buổi tối chưa kịp về nhà ăn cơm, ăn ngô luộc vỉa hè được coi là giải pháp khá hoàn hảo. Ăn nhẹ lại chỉ mất tầm chục nghìn mỗi bắp, vừa ngon vừa rẻ, ngô luộc trở thành lựa chọn của nhiều người.
Thực tế, ăn ngô luộc đem lại rất nhiều công dụng. Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), ngô có vị ngọt, tính bình, đi vào tỳ, vị. Trong Ẩm thực chính yếu viết “Ngô chủ yếu là bổ trung ích khí”. Tỳ vị rất quan trọng đối với sinh mệnh (Tỳ vị luận). Tỳ vị có khỏe thì cơ thể mới khỏe… Xét về bản chất, ngô luộc là món đem lại nhiều công dụng chữa bệnh.
Nhưng điều ấy chỉ đúng khi bạn ăn ngô luộc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn với những bắp ngô luộc trong nồi bốc hơi nghi ngút khói nơi vỉa hè có vẻ chưa chắc đúng. Giới chuyên gia cảnh báo, việc ăn ngô luộc vỉa hè có thể khiến bạn rước bệnh vào người, trong đó không thể không nhắc đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cực cao từ thói quen ăn đồ ăn vặt này thường xuyên ngoài đường phố.
Ngô luộc vỉa hè dễ bị “phù phép” bởi đường hóa học cho vị ngọt hấp dẫn
Để làm ăn có lãi, đỡ mất nhiều thời gian, nhiều người bán hàng có thể sử dụng một vài chiêu giúp ngô ngon ngọt lại tiết kiệm nhiên liệu. Để ngô luộc vỉa hè muốn ngon ngọt hơn, người bán thường cho thêm một lượng đường hóa học nhất định. Ngô luộc khi sử dụng đường hóa học nếu ăn nhiều, ăn thường xuyên có nguy cơ gây ung thư cao.
Để ngô luộc vỉa hè muốn ngon ngọt hơn, người bán thường cho thêm một lượng đường hóa học nhất định.
Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), đường hóa học có giá rất rẻ nên thường bị người tiêu dùng lạm dụng. Nhiều loại đường hóa học ngày nay đã bị cấm không sử dụng, một số loại vẫn cho dùng nhưng phải dùng đúng đối tượng. Ví dụ như đường cyclamate đã từng bị cấm sử dụng một thời vì có thể gây ung thư, sau đó lại được cho sử dụng. Điều này đã bị cấm tuyệt đối ở những nước tiên tiến.
“Đường hóa học có thể gây ung thư đã được chứng minh trong thực tế, do đó phải sử dụng đúng đối tượng và hàm lượng, dùng đúng trong các loại thực phẩm nhất định chứ không phải thích cái nào thì dùng vào cái đó. Tuy nhiên, ở nước ta, nguy cơ dùng đường hóa học cho tất cả các đối tượng là điều khó tránh khỏi, ví như đường cyclamate chỉ dùng trong ăn kiêng nhưng lại được sử dụng rộng rãi trong cả nước giải khát, bánh kẹo, không phân biệt đối tượng người lớn lẫn trẻ em nên rất nguy hiểm”, PGS.TS Trần Đáng nói.
Dưới bàn tay của người bán hàng, việc sử dụng liều lượng không đúng cho phép sẽ biến món ngô luộc vỉa hè thật ngọt ngào, thật đậm đà, ăn thật ngon nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm đi kèm, tích tụ lâu dài khó tránh khỏi bệnh ung thư.
Dùng pin luộc ngô để đỡ mất nhiều thời gian
Câu chuyện này đã từng được bàn tán rất nhiều trong quá khứ nhưng đáng tiếc nhiều người vẫn bỏ qua, hoặc vì tiện lợi, vì ngon miệng vẫn “khuất mắt trông coi”.
Để ngô chín đều, chín nhanh hơn, không loại trừ việc tiểu thương sử dụng pin để luộc cùng.
Để ngô chín đều, chín nhanh hơn, không loại trừ việc tiểu thương sử dụng pin để luộc cùng. Tính kiềm trong pin là điều kiện thuận lợi giúp tinh bột như ngô hấp thụ nước tốt hơn, từ đó mau chín hơn, đỡ tốn nhiên liệu đun nấu hơn. Tuy nhiên, những kim loại độc hại có trong pin có thể theo từng bắp ngô đi vào cơ thể gây phù não, suy thận, loãng xương… và tất nhiên về lâu dài không thể loại bỏ nguy cơ ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), dung dịch chủ yếu có trong pin là mangan. Đây là một kim loại rất độc, không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Chưa kể, trong pin cũng có nhiều chì, khi đi vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Khi hàm lượng chì vượt quá ngưỡng cho phép đi vào cơ thể có thể gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, chì nhiễm vào máu gây thiếu máu, suy dinh dưỡng… Với trẻ nhỏ, điều này càng nguy hiểm hơn thế. Điều đáng nói, dấu hiệu nhận biết cơ thể nhiễm độc chì rất khó phát hiện, dấu hiệu ngộ độc do chì cũng rất khó phát hiện sớm, thường xuất hiện âm thầm.
Bổ sung muối diêm giúp ngô luộc vỉa hè không bị ôi thiu
Để tăng cường lợi nhuận bằng cách tận dụng ngô luộc chưa bán hết trong ngày, nhiều người bán hàng rong cũng sẵn sàng bổ sung muối diêm để tránh ôi thiu và bán hàng vào hôm sau. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, muối diêm là phụ gia thực phẩm, vốn là hóa chất có thể sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên nó cũng có khuyến cáo nhất định, sử dụng quá liều sẽ gây hại sức khỏe.
Theo giới chuyên gia, tốt nhất nên ăn ngô luộc tại nhà bằng cách mua ngô về rồi tự luộc, tự mình kiểm tra được độ sạch bẩn khi đun nấu.
Đối với những người bán hàng vì lợi nhuận của bản thân, sẵn sàng bổ sung thêm muối diêm để “phù phép” từng bắp ngô là điều có thể xảy ra. Chưa kể, việc sử dụng muối diêm không đảm bảo, có lần nhiều tạp chất là kim loại nặng vốn không được dùng trong ngành thực phẩm thì nguy cơ mang bệnh mắc tật lại càng khó tránh. Việc dùng muối diêm không đúng liều lượng cho phép, chẳng may có lẫn cả kim loại nặng sẽ khiến người ăn ngô luộc vỉa hè bị rối loạn tiêu hóa, lâu dần sẽ tích tụ thành bệnh ung thư như ung thư dạ dày, ung thư gan…
Theo giới chuyên gia, tốt nhất nên ăn ngô luộc tại nhà bằng cách mua ngô về rồi tự luộc, tự mình kiểm tra được độ sạch bẩn khi đun nấu. Không nên ăn ngô luộc vỉa hè, nhất là những nơi bán không uy tín. Ngô luộc vỉa hè sử dụng pin, muối diêm rất khó bị phát hiện. Do đó, nếu là người tiêu dùng thông minh, chúng ta không nên bạ đâu ăn đó, tránh những hậu quả cho sức khỏe ngay trước mắt cũng như về lâu dài.